HỘI NGHỊ ĐẦU BỜ MÔ HÌNH THỬ NGHIỆM BẪY BẢ CHUA NGỌT HẠN CHẾ SÂU HẠI CÂY ĂN QUẢ NĂM 2024
Được sự nhất trí của Đảng ủy, HĐND, UBND thị trấn Xuân Mai. Sáng ngày 4/12, tại nhà văn hóa TDP Xuân Mai, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Chương Mỹ kết hợp với HTX Nông nghiệp thị trấn Xuân Mai thực hiện "Mô hình thử nghiệm bẫy bả chua ngọt phòng trừ ruồi vàng, các loại bướm trưởng thành hại quả" tại thị trấn Xuân Mai.
Hình ảnh các đại biểu dự hội nghị
Về dự có Đồng chí Nguyễn Thị Hương - Trưởng phòng kỹ thuật trồng trọt BVTV huyện Chương Mỹ. Về phía thị trấn Xuân Mai có Đồng chí Nguyễn Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy; Cùng các đồng chí lãnh đạo UBND và hơn 70 hộ nông dân trên địa bàn thị trấn.
Hội nghị giới thiệu và áp dụng bẫy bả chua ngọt để diệt trưởng thành các loại sâu hại cây ăn quả như rầy chống cánh, Ruồi đục quả, sâu xanh và một số các loại trưởng thành khác. Nhằm đánh giá hiệu quả của việc áp dụng bẫy bả chua ngọt trong hạn chế sâu hại cây ăn quả. Giảm việc sử dụng thuốc BVTV độ độc cao trong phòng trừ sâu hại cây ăn quả. Đảm bảo năng suất và nâng cao chất lượng của cây ăn quả bảo vệ sức khỏe con người, môi sinh và đồng ruộng.
Các hộ nông dân được đi tham quan mô hình vườn Bưởi Diễn hộ Bà Nguyễn Thị Hảo - Tổ dân phố Chiến Thắng, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ. Với quy mô thử nghiệm 10 sào. Thời gian thực hiện thử nghiệm: 6 tháng, từ tháng 6/2024 - 11/2024. Với phương pháp sử dụng bẫy bả chua ngọt và bẫy dính màu vàng hạn chế sâu hại cây ăn quả (cây bưởi).
Tại hội nghị các hộ nông dân được truyền đạt các kiến thức cơ bản về phương pháp điều tra hệ sinh thái trên đồng ruộng. Cách nhận dạng, so sánh các triệu chứng gây hại của một số đối tượng sâu bệnh hại chính trên cây làm thử nghiệm. Hướng dẫn nông dân mục đích, phương pháp làm bẫy, treo bẫy đối với bẫy bả chua ngọt. cách sử dụng bẫy dính màu (cách đặt bẫy, thay bẫy...) trên đồng ruộng. Tác động và ảnh hưởng của việc phun thuốc BVTV đến thiên địch, con người và hệ sinh thái môi trường. Treo bẫy bả chua ngọt và bẫy dính màu vàng trong việc phòng trừ sâu hại có cánh hại trên các loại cây ăn quả để nâng cao nhận thức cho bà con nông dân trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật góp phần vào sản xuất nông nghiệp bền vững. Không chỉ giúp diệt sâu hại, sử dụng bẫy bả chua ngọt còn giúp bà con dự đoán được thời điểm có sâu hại nhiều. Để hiệu quả phòng trừ được cao, việc sử dụng bẫy nên sử dụng ngay từ đầu vụ, khi mật độ sâu cao.
Đồng chí Nguyễn Thị Hương - Trưởng phòng kỹ thuật trồng trọt BVTV huyện Chương Mỹ Phát biểu tại hội nghị
Qua kết quả thực tế của mô hình Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Chương Mỹ đồng chí Nguyễn Thị Hương - Trưởng phòng kỹ thuật trồng trọt BVTV huyện Chương Mỹ, đề nghị lãnh đạo thị trấn và HTX NN thị trấn Xuân Mai tiếp tục tuyên truyền về ứng dụng bẫy bả chua ngọt trong phòng trừ sâu hại để mô hình được nhân ra diện rộng trong các năm tới, nhằm giúp nông dân sản xuất cây ăn quả an toàn đạt hiệu quả cao, giảm chi phí dùng thuốc BVTV, bảo vệ môi trường sinh thái và thiên địch có trên vườn ruộng.
Từ thực tế triển khai thử nghiệm, đồng chí khuyến cáo nên sử dụng bấy bả chua ngọt trên cây bưởi sẽ cho hiệu quả phòng trừ cao. Mật độ treo 5 bấy/ sào là hợp lý, thời gian thay bẫy có thể ngắn dài tùy thuộc vào tình hình sâu hại, các loại côn trùng khác dính vào bẫy, thời tiết mưa, nắng, gió, bụi để đảm bảo hiệu quả bám dính tốt nhất. Và tiếp tục tuyên triển khai nhân rộng thử nghiệm bẫy bả chua ngọt về quy mô diện tích trên các cây trồng, vùng sản xuất, điều kiện khác nhau để có sự đánh giá được chính xác hơn. Từ đó khuyến cáo nông dân sử dụng bẫy cũng như tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới và thấy được tác dụng của bẫy bả chua ngọt áp dụng vào sản xuất nhằm giảm thiểu số lần sử dụng thuốc.
Lê Hà