• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dù khả năng khắc phục hậu quả, thu hồi tiền đã bị lừa là rất thấp, song vẫn có một số việc mà nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến cần thực hiện để giải quyết tình huống gặp phải.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến tăng mạnh, hơn 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù có những cảnh báo liên tục, khuyến cáo không ngừng, nhiều người dân mất cảnh giác vẫn bị sập bẫy các chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi, đa dạng trên không gian mạng.

VietNamNet mở tuyến bài "Cảnh báo lừa đảo trực tuyến" nhằm cung cấp cho bạn đọc thêm các thông tin và trang bị kỹ năng, kiến thức để không trở thành nạn nhân của loại hình tội phạm mới này.

Bài 1: Nghe cuộc gọi giả danh công an, tiền tỷ của giáo viên, giáo sư 'ra đi' phút chốc
Bài 2: Chiêu trò giả làm nhân viên ngân hàng tuyển người xử lý đơn
Bài 3: Mất tiền đau vì tin vào cuộc gọi Deepfake
Bài 4: Lừa đảo trên không gian mạng tăng mạnh sau đại dịch
Bài 5: 
Lừa đảo trực tuyến đang nhắm đến trẻ em và người cao tuổi
Bài 6: Thao túng tâm lý qua điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Bài 7: Thoát 'ma trận' lừa đảo trên mạng ở phút 89
Bài 8Ngân hàng liên tiếp chặn đứng các vụ lừa đảo qua điện thoại

Nhiều người dùng hoảng loạn khi bị lừa đảo trực tuyến

“Em khổ quá chị ơi! Có mấy ngày mà em bị lừa hết tiền rồi. Em phải làm sao bây giờ hả chị?”. Đây là đoạn chia sẻ mà chị T.L.P (Nam Định) nhận được từ người em họ bị nhóm đối tượng lừa đảo dụ tham gia cộng tác viên xử lý đơn hàng trực tuyến.

Là một cán bộ hưu trí hiện sống tại Hà Nội, bà C.N.N đã bị đối tượng giả mạo công an gọi điện thoại dọa bà có liên quan đến một vụ án và yêu cầu phối hợp cung cấp thông tin hỗ trợ công tác điều tra. Dù chưa bị mất tiền do không sử dụng dịch vụ Internet Banking song bà C.N.N đã cung cấp cho đối tượng giả mạo công an toàn bộ thông tin cá nhân về địa chỉ, quê quán, số căn cước công dân và các kênh liên lạc đang sử dụng… Sau khi biết bị lừa đánh cắp thông tin cá nhân, nạn nhân này không khỏi thấp thỏm liệu rằng dữ liệu của mình có bị bị các đối tượng tiếp tục sử dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo khác.

Tương tự, với anh N.T.Q (Thanh Hóa), nạn nhân bị nhóm lừa đảo đánh cắp tài khoản Facebook sau khi bấm vào 1 đường link “lạ” và thực hiện theo hướng dẫn trên trang web giả mạo. Điều anh Q. lo lắng là các đối tượng lừa đảo sẽ dùng tài khoản mạng xã hội của mình để thực hiện những hành vi vi phạm gì, sẽ ảnh hưởng ra sao đến anh…

Điểm chung của nhiều nạn nhân lừa đảo trực tuyến là hoảng loạn, hoang mang vì không biết cần phải làm gì. (Ảnh minh họa: NCS)

Theo các chuyên gia, điểm chung của nhiều cá nhân bị mắc bẫy lừa đảo trực tuyến là hoảng loạn, hoang mang vì không biết cần làm những gì để có thể ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro trong tương lai từ sự vụ lừa đảo họ đã gặp phải.

Giữ bình tĩnh và thông báo ngay cho cơ quan chức năng là điều các chuyên gia khuyên nạn nhân thực hiện khi đã mắc bẫy lừa đảo. Theo ông Bế Khánh Duy, trưởng nhóm Dịch vụ chuyên gia của Công ty VSEC, đầu tiên và quan trọng nhất là cần giữ bình tĩnh, không hoảng loạn hay sợ hãi, vì điều này có thể khiến việc đưa ra quyết định không chính xác. "Hãy giữ bình tĩnh, tập trung để xử lý tình huống", chuyên gia VSEC nhắn nhủ.

Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam – VNISA, Chủ tịch Công ty VNCS Khổng Huy Hùng nêu khuyến nghị, khi phát hiện bị lừa đảo, điều đầu tiên là phải thật bình tĩnh, liên lạc với cơ quan chức năng càng sớm càng tốt để báo cáo, tiếp nhận hướng dẫn và cách thức xử lý để giảm thiểu thiệt hại.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Công ty An ninh mạng thông minh - SCS Ngô Tuấn Anh phân tích, nếu các nạn nhân không thông báo, cơ quan chức năng sẽ không biết, nắm được các thông tin để tiến hành điều tra, xử lý và khi đó những kẻ lừa đảo sẽ ngày càng thực hiện các hành vi lừa đảo một cách trắng trợn hơn.

“Trong mọi trường hợp nạn nhân không nên cố gắng tự giải quyết. Việc này có thể gây nguy hiểm vì các đối tượng lừa đảo có thể manh động và hành động bất chấp. Nạn nhân cần liên hệ các cơ quan chức năng gần nhất để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời”, chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn lưu ý.

Những việc cần làm khi mắc bẫy lừa đảo trên mạng

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, sự hạn chế về nhận thức an toàn thông tin của người dân sẽ tạo điều kiện cho tội phạm mạng thực hiện các hành vi lừa đảo, giả mạo để chiếm đoạt tài sản.

24 hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng Việt Nam và một số lưu ý để giữ an toàn theo khuyến nghị của Cục An toàn thông tin.

Để góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, một việc gần đây đã được Cục An toàn thông tin thực hiện là xây dựng và mở chiến dịch phổ biến "Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến". Trong Cẩm nang, cơ quan này đã hướng dẫn người dân một số việc cần làm khi bị lừa đảo.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động nhanh khi đã bị lừa đảo trực tuyến, chuyên gia Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không tiếp tục gửi tiền và chặn tất cả các liên lạc từ kẻ lừa đảo; liên hệ ngay lập tức với ngân hàng và tổ chức tài chính của bạn để báo cáo lừa đảo và yêu cầu họ dừng mọi giao dịch.

Cùng với đó, cần thu thập và lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an nơi lưu trú. Cảnh báo cho gia đình và bạn bè của bạn về trò lừa đảo này để họ có thể đề phòng những trò lừa đảo tiếp theo có thể xảy ra. Đồng thời, theo dõi và cập nhật các thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại Cổng không gian mạng quốc gia tại địa chỉ khonggianmang.vn.

Trường hợp đã chuyển tiền cho kẻ lừa đảo, việc cần làm là liên hệ ngay với ngân hàng của bạn để báo cáo hành vi lừa đảo và yêu cầu họ dừng mọi giao dịch của thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ; nếu chuyển qua thẻ quà tặng thì cần báo với công ty phát hành thẻ; chuyển tiền ngân hàng, cần báo cáo với công ty chuyển khoản ngân hàng hoặc ngân hàng đang sử dụng; báo với nhà cung cấp ứng dụng khi đã chuyển tiền cho kẻ xấu qua app...

Trường hợp đã bị kẻ lừa đảo truy cập vào thiết bị cá nhân, người dân có thể nhờ chuyên gia CNTT hỗ trợ kiểm tra. (Ảnh minh họa: Văn Ngọc)

Khi thông tin cá nhân như tên, số điện thoại, email, địa chỉ, giấy tờ tùy thân đã bị rò rỉ, người dân cần báo cáo vi phạm dữ liệu cho các tổ chức tài chính đang sử dụng. Bên cạnh đó, cần tạo một mật khẩu mới mạnh hơn, cảnh giác với những liên lạc đáng ngờ và theo dõi chặt chẽ tài khoản ngân hàng của mình.

Nếu đã bị kẻ lừa đảo truy cập vào máy tính, người dân cần cập nhật phần mềm bảo mật và quét virus, xóa mọi thứ được xác định là có vấn đề và đặt lại mật khẩu. Khi đã bị truy cập vào điện thoại, người dân hãy báo cáo với nhà cung cấp dịch vụ, cập nhật phần mềm bảo mật và quét virus, thay đổi mật khẩu hoặc mã pin, đồng thời chặn các cuộc gọi lừa đảo. Ngoài ra, người dân có thể nhờ chuyên gia CNTT kiểm tra thiết bị của mình.


Tác giả: Vân Anh
Nguồn:https://vietnamnet.vn/ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Thống kê truy cập
Hôm nay : 120
Hôm qua : 97
Tháng 05 : 703
Tháng trước : 3.176
Năm 2024 : 9.877